Kiến thức Thông tin hữu ích khi lắp miniPC

fRzzy

Member
Joined
Sep 27, 2017
Messages
1,931
Reaction score
0
#minipc

Update tháng 12/2017.

Cũng giống như máy tính thông thường, ta có thể mua máy lắp sẵn hoặc có thể tự lắp, nếu muốn tự lắp, một số lưu ý dưới đây sẽ hữu dụng.

## Chọn mua mainboard
Lưu ý là mainboard mini ITX chỉ có một khe mở rộng, nên trước khi mua cần phải xác định rõ nhu cầu của máy để biết xem sẽ sử dụng khe mở rộng này vào việc gì.

Đối với nhu cầu thông thường khe này sẽ dành cho GPU rời, do vậy cần phải tìm mobo có sẵn những thứ cần thiết (ví dụ Wi-Fi, có đủ số cổng SATA, mạch âm thanh chất lượng tốt…)

Wi-Fi tích hợp rất phổ biến trên main mini ITX, nếu cần nhiều cổng SATA thì cũng có những model tích hợp 6-12 cổng, nếu cần SSD chuẩn PCIe thì cổng M.2 hiện tại gần như là chuẩn, nếu cần thêm cổng ethernet thì cũng có khá nhiều model tích hợp 2 cổng ethernet. Nói chung nhu cầu trừ khi quá khó còn không thì không lo không kiếm được mainboard đáp ứng được nhu cầu, chúng ta chỉ cần chú ý một chút là ok.

Về layout của mainboard thì nói chung là tương đối giống nhau, tuy nhiên mobo AM4 chạy Ryzen đôi khi nhét chân cắm nguồn ở chỗ hơi khác người một chút, nếu bạn quan tâm tới vấn đề gọn gàng trong case thì cũng để tâm tới vụ này để tránh bị bất ngờ.

## Chọn mua CPU
Nói chung CPU không phải là vấn đề quá lớn với miniPC, chỉ lưu ý nếu bạn có nhu cầu đặc biệt kiểu như sử dụng tản nhiệt nước hoặc muốn overclock rất cao.

Nếu nhu cầu tản nhiệt cho CPU là lớn (cỡ khoảng 150W trở lên) thì phải chú ý tới việc chọn case, bởi không phải case nào cũng có chỗ để nhét tản nhiệt nước.

Nếu sử dụng tản nhiệt quạt thông thường thì ngoài chuyện chú ý tới kích thước của HSF có vừa case hay không còn phải chú ý tới chuyện lưu thông gió, case nhỏ thể tích không khí rảnh rỗi không nhiều, nếu CPU toả nhiệt quá nhiều mà không có phương án lưu thông tốt thì sẽ nóng quá dẫn tới khả năng overclock có thể không cao như mong đợi.

Lưu ý rằng đây gần như chỉ là những trường hợp đặc biệt, cá nhân fRzzy chạy Ryzen 1700 3.8GHz với tản nhiệt stock, GPU GTX 1060 6GB trong case Jonsbo U1 chỉ với một quạt 80mm, toàn bộ set ở chế độ yên lặng. Hoàn toàn bình thường không có vấn đề gì.

## Chọn mua case
Thị trường case cho mini PC có thể nói là muôn hình vạn trạng, tuỳ thuộc vào chúng ta thích lắp mini PC kiểu gì mà kiếm case cho phù hợp. Một vài ví dụ:

### Máy chơi game thường
Jonsbo U1 là một lựa chọn rất tốt, vật liệu tốt (khung nhôm 4mm, kính cường lực 5mm), chất lượng gia công tốt, layout truyền thống (nguồn SFX ở trên, lắp được tản nhiệt ~130mm), lưu thông gió tương đối tốt.

Điểm dở là chỉ lắp được GPU rời loại ngắn, tức là cỡ GTX 1080Ti thì thôi nghỉ.

### Máy chơi game khủng
NCASE M1 là một lựa chọn không tồi, Phanteks Enthoo EVOLV ITX cũng là một lựa chọn khác, ngoài ra còn có rất nhiều lựa chọn khác nữa.

Điểm chung của mấy case loại này là lắp được GPU rời loại lớn, nguồn cũng có thể dùng nguồn cỡ ATX, một số model lắp được tản nhiệt nước…

Điểm dở của những case dạng này là thể tích lớn hơn các lựa chọn khác, tuy nhiên so với mid hay full ATX thì vẫn nhỏ hơn rất nhiều.

Cũng có những lựa chọn khác có thể tích nhỏ mà vẫn lắp được GPU rời cỡ lớn, như của Silverstone và Fractal Design nhưng mình chưa dùng qua nên các bạn có thể chủ động tự tìm hiểu thêm.

### Homeserver - NAS
Với nhu cầu này thì có nhiều lựa chọn khác nữa, In Win MS04 là một case NAS rất tốt, build quality cao, khay HDD chuẩn với backplate hỗ trợ cả SATA lẫn SAS.

Nếu bạn không cần gắn nhiều HDD thì các model Jonsbo kiểu như C2 hoặc U1 đều phù hợp, giá rẻ, vật liệu tốt, thể tích nhỏ.

### HTPC
Nếu dùng máy để làm thiết bị playback (đồng thời có thể là mediaserver/NAS) luôn thì những case ở phần trên có thể không đáp ứng được về mặt thẩm mĩ. Silverstone ML-06B là một lựa chọn khác khá phù hợp.

Model này của SST có mặt nhôm khá đẹp, để ở phòng khách tốt. Gắn được GPU rời cỡ low profile dual slot (GT 1030 là GPU rời tốt nhất cho media playback) - ngoài ra có thể gắn được 4 HDD cỡ 2.5” (tối đa được 12TB hoặc hơn)

## Chọn mua nguồn
“Cơn điên” nguồn công suất siêu khủng bắt nguồn từ thời điểm cách đây vài năm GPU có hiệu suất tiêu thụ năng lượng thấp hơn cả Bằng Kiều. Tại thời điểm hiện tại thì nguồn cỡ trên 500W gần như là vô ích.

CPU hiện tại gần như không cần quá 50W, với các model mạnh không quá 100W, khi overclock trừ khi ở mức extreme không quá 150W.

GPU hiện tại mạnh nhất như GTX 1080Ti cũng chỉ có typical maximum power consumption ở mức 300W, GTX 1060 6GB thì tầm 230W.

Cộng thêm những thứ linh tinh khác như quạt, HDD, mainboard, Wi-Fi… thoải mái 100W nữa thì công suất tối đa với một cấu hình cực khủng cũng chỉ tầm trên 500W, thêm headroom 20% nữa thì nói chung một cái nguồn 600W chất lượng cao là thoải mái không phải nghĩ. Với phần lớn mọi người thì 500W là thừa, tầm 350W đủ đáp ứng cho hầu hết các nhu cầu.

Lấy ví dụ bộ Ryzen 1700 overclock 3.8GHz GTX 1060 6GB của mình khi chơi game rút điện từ ổ cắm tầm 280W, trừ hao hụt của nguồn đi thì thực tế bộ này chỉ dùng 230W-250W khi chơi game. Nguồn 350W là đủ, 450W nếu muốn yên tâm hơn.

Một lưu ý nữa là phần lớn thời gian máy hoạt động chỉ kéo hết khoảng < 50W tại nguồn, mà với nguồn switching việc sử dụng lâu dài ở công suất quá thấp so với công suất danh định còn dễ hỏng nguồn chứ không có lợi lộc gì.

Vậy nên chọn mua nguồn nói chung, và cho mini PC nói riêng không nên tham công suất lớn làm gì, vừa phí tiền vừa vô ích.

## Chọn mua tản nhiệt và vấn đề nhiệt độ CPU
Nếu bạn build mini PC mà quan tâm tới vấn đề nhỏ gọn thì thể tích case là một mối quan trọng hàng đầu, đi kèm với thể tích case nhỏ thì đôi khi yêu cầu về kích thước tản nhiệt cũng cần chú ý. Ví dụ như Jonsbo U1 là một case thiết kế khá truyền thống cũng có giới hạn chiều cao tản nhiệt khoảng ~130mm, các case dạng low profile ví dụ như In Win Chopin còn có giới hạn “lùn” hơn ở mức dưới 60mm.

Chính vì lý do này nên số các lựa chon tản nhiệt “khủng” cho mini PC là không nhiều. Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa với việc tản nhiệt CPU cho mini PC là khó, hay không đủ.

Trước tiên, CPU nói chung có nhiệt độ hoạt động tối đa ở khoảng 95˚-105˚ (ở nhiệt độ này CPU sẽ tự giảm tốc độ hoặc tự ngắt), nhiệt độ tối đa tuyệt đối là tầm 120˚-125˚ (ở nhiệt độ này khả năng chết rất cao)

Nhà sản xuất không khuyến cáo nhiệt độ an toàn, hoặc đôi khi họ chỉ nói chung chung là mát thì tốt, nhưng tốt như thế nào?

Dựa trên kinh nghiệm cá nhân thì khoảng 10-15 năm nay số lượng CPU mình biết là chết vì nhiệt độ chỉ đếm trên đầu ngón tay, của một bàn tay; éo le là đám này 100% chết vì lạnh chứ không thằng nào chết vì nóng cả.

Bên cạnh đó thì mình có một CPU chạy 2 năm liên tục 24/7 nhiệt độ không bao giờ dưới 90˚ (i3 3220T chạy fanless) - một ví dụ khác là Xeon E3 1230 thường xuyên chạy ở mức trên 80˚ khi làm việc; một Dell micro form factor full load encode video là lên 90˚… CPU của đám này vẫn sống khoẻ cho tới giờ…

Vậy nên, theo ý kiến cá nhân của mình thì CPU của bạn chạy 60˚ hay 80˚ hay 100˚ mà không bị throttle thì nói chung là cũng như nhau, không có gì phải ngại hết. Tuy nhiên tốt nhất là không nên để nó quá 90˚ cho yên tâm.

With that cleared up, một số lựa chọn tản nhiệt tốt mà tương đối gọn gàng, mình đã thử qua gồm có:

- Stock HSF (rất tốt nếu không overclock, hoặc overclock chơi chơi, kiểu như Ryzen 1200 @ 3.8GHz mình vẫn chạy HSF stock, full load trên 70˚)
- Cryorig C7 (đẹp, êm, tản nhiệt tốt hơn stock kha khá)
- Jonsbo HP-400 (rẻ, hơi ồn, tản nhiệt hơn stock một chút)
- Jonsbo HP-625 (hơi to, quạt stock ồn, thay quạt Arctic vào thì vừa êm tản nhiệt lại tốt)

Nói tóm lại, chúng ta không có nhiều lựa chọn tản nhiệt “khủng” nhưng không nên lấy thế làm lo lắng, với phần lớn CPU 65W overclock lên hoặc CPU 95W overclock nhẹ nhẹ thì kiếm tản nhiệt nào to nhất có thể, kiểm tra nhiệt độ loanh quanh 80˚ là không có gì phải lo.

## Ngoài ra
Trước khi kết thúc, cần nhấn mạnh một chút là form ATX full hoặc mid có thể tích khá thoải mái để chúng ta tha hồ nhồi nhét, nhưng với phần lớn mọi người thì chỉ tổ tốn diện tích; vậy nên mini PC theo mình là một lựa chọn rất tuyệt vời để thay thế, nhưng nếu bạn có sở thích nhồi nhét (kiểu như tản nhiệt nước, đèn đóm phong cách bàn thờ này nọ…) thì chỉ cần để tâm lựa chọn linh kiện cho phù hợp là ok.

Máy to không đồng nghĩa với mạnh, all bark and no bite. Dùng mini PC cho đỡ lúa :D
 
Top